Chợ tình Sapa là một nét văn hóa độc đáo ở Lào Cai thu hút không chỉ du khách trong nước mà cả nước ngoài. Khác với chợ tình Khâu Vai (Hà Giang), chợ tình Mộc Châu (Sơn La) được tổ chức mỗi năm một lần, thì chợ tình Sapa diễn ra thường xuyên hơn vào tối thứ bảy hàng tuần. Giờ hãy cùng tìm hiểu những nét đặc sắc của chợ tình Sapa qua bài viết sau nhé!

Chợ tình Sapa – nơi tình yêu bắt đầu

Người ta nói rằng chợ tình Sapa có nguồn gốc lâu đời nhất, tuy nhiên không ai biết chợ tình này bắt đầu được họp từ lúc nào. Chỉ nghe đồng bào kể lại rằng, trước đây chợ ở Sapa chỉ họp mỗi tuần một phiên vào thứ bảy, người từ khắp các bản làng xa xôi về đây họp nhưng lúc tan chợ thì trời cũng xế chiều, mọi người không thể băng rừng về nhà. Vì vậy, tất cả già trẻ gái trai đi chợ tụ họp quanh quần cùng nhau, dần dần trở thành tục lệ, thói quen, rồi sau đó phiên chợ trở thành nơi nam thanh nữ tú tìm hiểu, hẹn hò.

Kể từ đó trở đi, đêm cuối tuần ở trị trấn Sapa nhỏ bé này luôn luôn nhộn nhịp bởi tiếng khèn giao duyên của các chàng trai bản làng, những điệu múa mê hồn của các cô thôn nữ vùng cao, váy áo xúng xính xập xòe rực rỡ. Khách thập phương đến Sapa vào dịp cuối tuần sẽ được tận mắt thấy tai nghe về những mối tình chân chất mộc mạc, tận mắt ngắm nhìn những khuôn mặt khấp khởi nhưng đầy lo âu, hồi hộp.

Không chỉ đơn thuần chợ tình là kết tóc se duyên, đây còn là nơi để đồng bào sinh hoạt văn hóa, trao đổi hàng hóa, cũng như thắt chặt mối quan hệ tình hữu anh em. Chợ tình Sapa là không chỉ là nơi để nam thanh nữ tú tìm được bạn đời mà còn là một lễ hội truyền thống đặc sắc của điểm du lịch Sapa.

Chợ tình Sapa là chợ của người Dao từ xưa đến nay. Vào mỗi buổi chiều thứ 7, dưới phố và ở khu nhà thờ cổ đá đã có rất nhiều phụ nữ quấn khăn đỏ và mặc những bộ trang phục thêu hoa rực rỡ cùng với những vòng bạc, khuy bạc, những đồng tiền nhỏ đính trên vai áo xinh xắn. Hấp dẫn hơn là những tiếng reo theo mỗi bước chân từ chính những chùm lục lạc đồng nhỏ xinh được đính trên những chiếc khăn choàng.

Đối tượng mà những cô gái hướng đến là những chàng trai người Dao mặc trang phục áo chàm, khăn cùng màu, tay đeo đồng hồ và vai khoác chiếc đài cattsette. Ở một góc khác thì dăm ba chàng trai xúm quanh một cô gái, họ đưa những chiếc cattsette của mình gần cô gái để ghi âm những khúc hát tỏ tình bằng tiếng dân tộc để tỏ tình rồi tặng quà kỷ niệm. Cô gái không ưng thì bỏ quà chạy và bị nắm tay giữ lại, động tác này gọi là “kéo” – đó là một biểu hiện đặc trưng cho sự tỏ tình quyết liệt. Cho tới lúc “ưng cái bụng” được một chàng trai ưng ý thì cô gái sẽ dúi vào tay người đó một vật đính ước đó có thể là chiếc nhẫn, chiếc vòng tay hay là chiếc lược.

Thế là đám đông sẽ giải tán, sau đó cô gái sẽ quay về với các bạn gái rồi sau khi yên tĩnh trở lại 2, 3 cô gái sẽ đưa cô gái ấy đến “gửi gắm” cho người đàn ông cô đã chọn. Rồi đôi bạn tình đưa nhau tới đâu thì chỉ có rặng Samu xào xạc kia mới biết… Chỉ là gặp nhau qua một buổi chợ tình có thể nói là một tình yêu “sét đánh” nhưng lại mang đến những đôi uyên ương thành vợ thành chồng bên nhau mãi mãi đến suốt đời.

Hai chữ “Chợ tình” đã đi vào cách hiểu của người ở miền xuôi theo một phạm trù về hôn nhân, tình yêu. Chợ tình là một nơi hẹn hò, trao gửi tình cảm, có những cử chỉ yêu đương diễn ra ở chợ theo phong tục, tập quán tùy từng địa phương.

Người Mông, người Dao tại các bản làng lân cận đều tìm đến để đi chơi chợ tình Sapa. Nhìn xa xa những hàng cây cổ thụ im lìm nhạt nhòa, gợi cảm giác hồng hoang. Những sắc đỏ nhập nhòe như lửa cháy từ những tấm khăn đội đầu phụ nữ Dao và gam màu tràm đục từ những gấu váy con gái HMông rập rờn như bướm lượn theo từng nhịp chân đi.

Chợ tình là một nét đẹp văn hóa chỉ duy nhất có ở đồng bào dân tộc vùng cao, đến chợ tình Sapa, bạn hãy thử một lần tham dự chợ tình vừa để có những trải nghiệm khó quên vừa tìm hiểu được văn hóa vùng miền.

Tin mới
x