Từ tầng bảy đến nhà hàng, chất liệu chủ đạo là sơn mài trên gỗ. Bức tranh bố cục dọc Mùa Thu Tả Giàng Phình của Chu Viết Cường tả cảnh người bản địa đang địu lúa từ nương về. Vì đã đến thăm Sa Pa không dưới chục lần, Viết Cường có nhiều tác phẩm lấy cảm hứng từ phong cảnh nơi đây. Tả Giàng Phình theo đúng tiếng địa phương là Thải Giàng Phình, có nghĩa là “tia nắng mặt trời chiếu xuống bãi đất bằng”. Ẩn hiện trong mây ở phần hậu cảnh là dáng hình mơ hồ của Ngũ Chỉ Sơn (Núi Năm Ngón Tay), nhóm núi cao thứ nhì Việt Nam, chỉ sau đỉnh Phan Si Păng. Họa sỹ cho biết anh thường thêm yếu tố con người vào trong tranh để tránh cảm giác đơn điệu, buồn tẻ. Tỉ lệ người khá nhỏ so với tổng thể bức tranh để nhấn mạnh sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên hùng vĩ. Thay vì làm nổi bật sự cô đơn lạc lõng, nhóm bốn người đi sát nhau tạo cảm giác đầm ấm và vui vẻ.