Khai thác hiệu quả thế mạnh nguồn tài nguyên văn hóa bản địa, Sapa (Lào Cai) dần khẳng định vị trí số 1 về điểm du lịch văn hóa trên cả nước thành công khi tích hợp nét văn hóa bản địa vào du lịch
Với chủ trương làm du lịch lấy gốc rễ từ văn hóa bản địa, Sapa từ lâu đã vượt qua nhiều địa phương về hiệu quả trong việc khai thác du lịch từ văn hóa, trở thành điểm đến du lịch văn hoá hàng đầu khu vực phía Bắc.
Liên tiếp trong hai năm 2019 và 2020, khu du lịch Sun World Fansipan Legend tại Sapa của Tập đoàn Sun Group đã vinh dự được World Travel Awards trao tặng danh hiệu “Điểm du lịch văn hóa hàng đầu thế giới”. Điều khiến khu du lịch này được vinh danh, là bởi Sun World Fansipan Legend đã nhanh chóng khẳng định vị thế của một điểm đến khai thác thành công yếu tố văn hóa bản địa ở Lào Cai nói riêng và vùng Tây Bắc nói chung hiện nay.
Ở Sun World Fansipan Legend, văn hóa đã được biến thành những “đặc sản” du lịch hấp dẫn du khách. Đến với khu du lịch vào thời điểm nào trong năm, du khách cũng sẽ được hòa mình vào các sự kiện, lễ hội mang đậm dấu ấn, hồn cốt văn hoá vùng cao, từ những tiết mục nghệ thuật thổi khèn, múa xòe đặc trưng của trai làng, gái bản đến những trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, nhảy sạp, những tập tục truyền thống của người dân tộc được tái hiện như tục bắt vợ, đám cưới người Dao hay phiên chợ vùng cao với những đặc sản trứ danh của vùng đất Tây Bắc …
Không chỉ có các lễ hội với những hoạt động dân gian truyền thống, Sun World Fansipan Legend còn tạo dấu ấn mạnh mẽ với show nghệ thuật “Vũ điệu trên mây” (2019), kết hợp khéo léo những chất liệu tinh túy của văn hóa Tây Bắc với yếu tố tâm linh huyền hoặc.
Ba năm gần đây, giải đua ngựa “Vó ngựa trên mây” được tổ chức trong khuôn viên khu du lịch, với nhiều hoạt động bên lề đặc sắc, đã mang tới cho khán giả những trải nghiệm văn hóa Tây Bắc thú vị chưa từng có.
Không ngoa khi nói rằng những sản phẩm, dịch vụ mang màu sắc văn hóa bản địa ở Sun World Fansipan Legend đã góp phần tạo nên nét khác biệt và trở thành một nhân tố quan trọng thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với “thành phố trong mây” này. Năm 2019, lượng khách đến với Sa Pa là hơn 3,2 triệu lượt, tăng hơn 2,2 triệu lượt so với năm 2015 – thời điểm chưa có khu du lịch trên đỉnh Fansipan, chiếm hơn 60% tổng lượng khách của toàn tỉnh.
Dần định hình văn hóa du lịch cho Sa Pa
Khai thác thành công thế mạnh du lịch văn hóa, nhưng liệu Sa Pa đã xây dựng được cho mình văn hóa du lịch hay chưa?
Theo các chuyên gia du lịch, văn hoá du lịch được xây dựng, tích lũy và sáng tạo trong hoạt động du lịch bởi bốn chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch: khách du lịch, doanh nghiệp du lịch, chính quyền các cấp, và cộng đồng dân cư nơi diễn ra hoạt động du lịch. Muốn phát triển bền vững và định hình thương hiệu riêng, một điểm đến nhất định phải quan tâm đến văn hóa du lịch.
Tại Việt Nam, Đà Nẵng dường như là điểm đến tiên phong trong việc gây dựng thành công văn hóa du lịch. Bên cạnh những sản phẩm, dịch vụ chất lượng và đẳng cấp, Đà Nẵng còn gây ấn tượng trong lòng du khách trong và ngoài nước bởi chất lượng dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, văn minh, tốt bậc nhất cả nước nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự ủng hộ của người dân và đặc biệt là sự đầu tư có tâm, có tầm của các doanh nghiệp du lịch lớn.
So với Đà Nẵng, Sapa có thế mạnh hơn về nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, để tạo dựng một văn hóa du lịch riêng và thành công cho Sapa, chưa thể làm trong một sớm, một chiều.
Vài năm trước, du khách nhiều người sợ trở lại Sa Pa vì cảnh chèo kéo, đeo bám du khách. Nhưng từ khi du lịch được đầu tư bài bản, bà con có công ăn việc làm ổn định ở những khu du lịch như Sun World Fansipan Legend, những khách sạn đẳng cấp như Hotel De la Coupole, Silk Path…, cái cảnh khách bị tứ phía bủa vây bởi các em nhỏ, người già, phụ nữ bán hàng rong đã bớt đi rất nhiều. Không thể phủ nhận, những khu du lịch hay khách sạn, với rất nhiều lao động là người bản địa, đã góp phần nào cải thiện đời sống của người dân nơi đây và dần định hình một cách làm du lịch văn minh cho Sa Pa.
Chẳng hạn, ở Sun World Fansipan Legend, nơi có tới 60% người dân tộc thiểu số đang làm việc, cách làm du lịch văn minh đang được thiết lập từ việc xây dựng văn hóa xin chào đối với toàn bộ cán bộ nhân viên, tổ chức những ngày xanh Fansipan để cán bộ nhân viên cùng nhau làm sạch môi trường quanh khu du lịch, đu dây nhặt rác ở quanh đỉnh Fansipan; xây dựng tủ đồ thất lạc để du khách có thể tìm thấy những món đồ bỏ quên…
Và điều quan trọng hơn cả là những giá trị văn hóa bản địa Tây Bắc đã và đang được gìn giữ và phát huy một cách sống động và hấp dẫn, biến chúng trở thành những “đặc sản” du lịch không thể thiếu của Sapa.
“Là một người quan sát và rất yêu Sapa, tôi nghĩ rằng trong quá trình hình thành một nền văn hoá du lịch, Sapa rất cần giữ cái gốc văn hoá của mình. Việc được nhìn thấy một cô gái người HMông phục vụ những dịch vụ đơn giản như bưng chén trà, nhoẻn miệng cười với du khách, điều đó là vô giá. Tôi cũng đã thấy một số nơi đã có dấu ấn đấy, như trên Sun World Fansipan Legend chẳng hạn. Khi người dân tộc nở nụ cười với tôi, tôi thấy ấm áp lắm. Nhà đầu tư Sun Group đã rất cầu kỳ khi đưa người dân tộc vào đó làm việc, mặc đồng phục đấy nhưng vẫn nụ cười người HMông”, TS. Trịnh Lê Anh – Phó Chủ nhiệm Khoa Du lịch (Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội) chia sẻ.
Để có được vị thế của một điểm đến tầm cỡ quốc tế và có văn hóa du lịch chuyên nghiệp, Sapa vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng với những thành công bước đầu trong việc phát triển du lịch văn hóa và đang xây từng “viên gạch” cho một nền văn hóa du lịch giàu bản sắc, tin rằng, đích đến thành công của Sa Pa không xa.